Lịch sử thương hiệu

Pleyel – Biểu tượng & Niềm kiêu hãnh của văn hoá Pháp

Thương hiệu piano của các nhà soạn nhạc vĩ đại và giới quý tộc Châu Âu

Pleyel là niềm tự hào của các tầng lớp thượng lưu, giới trí thức tiến bộ, văn nghệ sĩ, thương gia, chính trị gia, hoàng gia Châu Âu – những người nổi tiếng đã tạo nên thương hiệu Pleyel Piano, có thể kể đến như:

Frédéric Chopin – César Frank – Charles Gounod – Frédéric & Arthur Kalkbrenner – Claude Debussy – Edward Grieg – Jules Massenet – Georges Bizet – Maurice Ravel – Giacomo Meyerbeer – Jacques Ibert – Gioacchino Rossini – Félix Mendelssohn – Arthur Rubinstein – Camille Saint-Saëns – Richard Strauss – Jacques Offenbach – Johann Baptiste Cramer – Ignaz Moscheles – Alfred Cortot – Marguerite Long – Gia đình Maupassant – George Sand – Eugène Scribe – Nữ bá tước Ségur – Alexis de Tocqueville – Leo Tolstoy – Ivan Tourgueniev – Eugène Delacroix – Henri Matisse – Pierre-Auguste Renoir – Gia đình Puvis de Chavanne – Ary Scheffer – Horace Vernet – Viollet-Le-Duc – De Dietrich – Henry Lemoine – Isaac Pereire – Ferdinand de Lesseps – Cognac Hennessy – Cognac Martell – Champagne Moët – Louis Roederer – Gia đình De Rothschild – Madame Récamier – Victor Schoelcher – Thống chế Exelmans – Hoàng tử Clermont-Tonnerre – Patrice de Mac-Mahon – Bá tước Charles de Flahaut (Phụ tá của Napoléon) – Letizia Bonaparte (mẹ của Napoléon) – Jérôme Bonaparte (anh trai của Napoléon) – Hoàng tử Pierre d ‘Aremberg – Hoàng tử François Borghèse – Nữ công tước xứ Crillon – Hoàng tử Victor de Broglie – Napoléon Joseph Ney (Hoàng tử Moskowa) – Hoàng tử Jules de Polignac – Hoàng tử Klemens de Metternich – Anna Pavlovna (Nữ diễn viên ballet Nga) – Dom Pedro I (Hoàng đế Brazil và Vua Bồ Đào Nha) – Ferdinand-Philippe d’Orléans (Thái tử nước Pháp) – Isabella II của Tây Ban Nha (Nữ hoàng Tây Ban Nha) – Wilhelmine của Phổ (Nữ hoàng Hà Lan) – Elena Pavlovna (Hoàng đế Nga) – Louis-Philippe (Vua của người Pháp)…

Tác phẩm nổi tiếng “Woman at the piano” (1876) của Pierre-Auguste Renoir (Hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp)
Bức tranh miêu tả hình ảnh người phụ nữ đang chơi chiếc đàn Piano Pleyel model Romantica

Tác phẩm “The Music Lesson” được vẽ vào mùa hè năm 1917 bởi Henri Matisse (Hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp). Matisse miêu tả hình ảnh vợ, con gái và hai con trai trong phòng khách của ngôi nhà gia đình ở Issy-les-Moulineaux, Pháp. Vợ và cậu con trai đang chơi đàn piano Pleyel. Có thể thấy âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong gia đình Matisse; bản thân ông cũng là một pianist tài năng.

The beautiful story

Phòng hoà nhạc Salle Pleyel tại 20-24 Rue de Rochechouart (Paris) vào năm 1839

06 THẾ HỆ LÃNH ĐẠO PLEYEL PIANO

IGNACE PLEYEL

CAMILLE PLEYEL

AUGUSTE WOLFF

GUSTAVE LYON

HUBERT MARTINI

GÉRARD GARNIER

Nhà sáng lập

 

IGNACE PLEYEL

 

Bảng tên thương hiệu trên cây đàn Piano vuông năm 1809

Cây đàn Lyre – Guitar năm 1809

Ignaz Pleyel – Nhà soạn nhạc tài năng

Mặc dù ngày nay tên tuổi của Pleyel đã nổi tiếng trên khắp thế giới nhưng ít người biết đến ai là người đứng sau cái tên huyền thoại trong làng nhạc cụ này. Ignaz Pleyel sinh ngày 18 tháng 6 năm 1757 tại Ruppersthal (Áo). Là con trai của một giáo viên, khi còn là một chàng trai trẻ, Ignaz đã sớm bộ lộ khả năng âm nhạc của mình, ông được Bá tước Ladislaus Erdöly chú ý và nâng đỡ. Nhờ vào đó, Ignaz đã được học ở những ngôi trường danh giá và trở thành học trò xuất sắc của Joseph Haydn – nhà soạn nhạc xuất chúng người Áo.

May mắn được hỗ trợ bởi những ân nhân tuyệt vời, Ignaz Pleyel đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Châu Âu, nơi mà ông sẽ được gặp gỡ những nhạc sĩ tài ba nhất thời bấy giờ.

Năm 1783, Ignaz Pleyel đến Strasbourg, nơi ông phụ trách Trường Âm nhạc Prince of Rohan và sau đó vào năm 1789, ông trở thành giám đốc của dàn nhạc Nhà thờ Strasbourg. Bằng việc chấp nhận con đường sang Pháp này, Ignaz Pleyel đã có được quyền của “Giai cấp tư sản”, cho phép ông trở thành công dân Pháp và đổi tên thành Ignace Pleyel.

Mozart: “What a joy for music”

Trong 15 năm cuối của thế kỷ 18, Ignace Pleyel trở thành nhạc sĩ nổi tiếng và số lượng buổi biểu diễn của ông có thể là nhiều nhất ở thời bấy giờ; tài năng của ông ấy được các đồng nghiệp đánh giá rất cao, trong đó có Mozart, người đã nói về Pleyel: “Những sáng tác của Pleyel luôn có sự sáng tạo trong từng nét nhạc; Pleyel đã mang đến cho âm nhạc nhiều màu sắc mới mẻ”.

Để có được danh tiếng này, Pleyel đã biểu diễn một loạt buổi hòa nhạc ở London vào năm 1792 với người thầy của mình là Joseph Haydn. Cả hai đều là những nghệ sĩ điêu luyện đang ở đỉnh cao nghệ thuật. Trong khi cuộc Cách mạng Pháp đang diễn ra sôi nổi, những nghệ sĩ giỏi nhất của Pháp đã được mời sáng tác những tác phẩm chào mừng kỷ nguyên mới của tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Do đó, Ignace Pleyel đã sáng tác “Hymn to Freedom” vào năm 1791 và “The Revolution of August 10th” vào năm 1793. Trong khi các nhà soạn nhạc cách mạng được bổ nhiệm làm giáo viên tại Nhạc viện mới, Ignace lựa chọn định cư cùng gia đình ở khu phố Chaussée d’Antin (Paris), nơi mà sau này ông thành lập một công ty xuất bản âm nhạc.

Niềm say mê với âm nhạc

Năm 1797, Ignace mở một công ty xuất bản âm nhạc nhỏ ở Paris. Ông ấy bắt đầu bằng việc xuất bản các tác phẩm của riêng mình, cũng như của Haydn, Mozart, Beethoven và Boccherini.

Với niềm say mê âm nhạc, Ignace luôn ấp ủ nhiều ý tưởng cho mình. Không lâu sau đó, ông đã phát minh ra bản nhạc bìa mềm. Với chi phí thấp, những bản nhạc ở định dạng bìa mềm được gọi là “Music Library”. Sự thành công của chúng đã khiến Ignace Pleyel gác lại sự nghiệp biểu diễn âm nhạc để cống hiến hết mình cho công việc kinh doanh xuất bản.

Trên đà phát triển, Ignace Pleyel đã sớm mở rộng hoạt động kinh doanh, ông bắt đầu bán nhiều loại nhạc cụ khác nhau, bao gồm đàn hạc, đàn guita và đàn piano.

Năm 1807 – Sự ra đời của những cây đàn piano Pleyel đầu tiên

Bắt đầu cho việc sản xuất những cây đàn piano của riêng mình, Ignace Pleyel đã hợp tác với Charles Lemme, người sở hữu một xưởng đàn ở Paris. Mối quan hệ hợp tác này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, vỏn vẹn ba năm, trước khi Pleyel thành lập xưởng riêng vào cuối năm 1807. Để có thể toàn tâm cho xưởng sản xuất đàn piano của mình, ông đã gác lại công việc xuất bản vào năm 1809. Thật không may cho Ignace Pleyel, tình hình kinh doanh nhạc cụ đã rơi vào cuộc khủng hoảng lớn ngay sau đó và ông ấy đã phải vật lộn với khó khăn để có thể bán nhạc cụ.

Nếu không có sự giúp đỡ tài chính của những người bạn là nhạc sĩ, như Kalkbrenner, Rossini hay Mehul, đàn piano Pleyel có lẽ sẽ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn. Năm 1824, con trai ông là Camille thay ông tiếp quản mọi hoạt động kinh doanh. Ignace Pleyel dần rời xa cuộc sống âm nhạc và lui về ngôi nhà Somereau gần Paris.

Thời đại của các nhạc sĩ

CAMILLE PLEYEL

Bảng tên thương hiệu trên đàn piano Pleyel ở thế kỷ 19

Đàn piano vuông Pleyel n°182 năm 1813, cây đàn thuộc về Letizia Bonaparte

Camille Pleyel, một nhạc sĩ đã làm Chopin kinh ngạc

Sinh năm 1788 tại Strasbourg, Camille Pleyel lần đầu tiên được tiếp xúc với âm nhạc thông qua cha mình trước khi được học với người thầy Jan Ladislav Dussek – một nhà soạn nhạc cổ điển và nghệ sĩ piano điêu luyện người Séc.

Là một nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn hòa nhạc tài năng, Camille đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp châu Âu và được Vua của Vương quốc Anh đặc biệt chú ý. Mặc dù không thể xuất sắc như cha của mình là Ignace Pleyel về mặt sáng tác, tuy nhiên có thể nói Camille cũng là một nhạc sĩ giỏi ở thời bấy giờ.

Điều này được khẳng định hơn khi một người bạn nổi tiếng của ông, Frédéric Chopin, đã từng nói: “Ngày nay chỉ có một người biết chơi tác phẩm Mozart, đó là Camille Pleyel, và khi ông ấy sẵn sàng chơi một bản nhạc bản sonata piano bốn tay cùng tôi, tôi sẽ học”.  

Sự đổi mới của thương hiệu Pleyel

Năm 1824, ở tuổi 34, Camille đã cùng cha tham gia vào “cuộc phiêu lưu” với những cây đàn piano Pleyel. Camille đã đi nhiều nơi để tham quan các xưởng sản xuất đàn piano, chẳng hạn như Broadwood, và điều đó đã truyền cho ông cảm hứng cho việc cải tiến những cây đàn piano Pleyel. Có thể nói, sự xuất hiện của Camille đã thay đổi gần như toàn bộ thương hiệu Pleyel. Thật vậy, kể từ năm 1825, Camille Pleyel đã tổ chức lại hệ thống sản xuất của nhà máy, chiêu mộ nhân tài và phát triển mạnh mẽ các chương trình biểu diễn, quảng bá tác phẩm âm nhạc.

Sự đổi mới này được hỗ trợ một phần bởi những người bạn nhạc sĩ của ông, trong đó là Kalkbrenner, người cộng sự của ông tại thời điểm đó. Các nghệ sĩ khác như Cramer, Moschele hay Chopin đã góp phần quảng bá thương hiệu trên toàn thế giới. Bắt đầu từ đó thương hiệu Piano Pleyel bùng nổ và được biết đến toàn cầu.

Cải tiến Piano Pleyel của Camille Pleyel

Được dẫn dắt bởi những nhạc sĩ xuất sắc và đầy nhiệt huyết, thương hiệu Pleyel luôn giữ mối quan hệ thân thiết với các nghệ sĩ bằng cách liên kết họ với những đổi mới của mình. Với việc thường dẫn đầu trong xu thế, những cải tiến và đổi mới của Pleyel đã trở thành một thượng tầng đẳng cấp. Đến năm 1825, thương hiệu Pleyel đã nộp bằng sáng chế cho việc sản xuất “đàn piano unichord” (đàn piano có một dây trên mỗi nốt thay vì hai hoặc ba dây như thông thường).

Năm 1827, Pleyel giới thiệu trước công chúng những cây đàn piano của mình tại Triển lãm Quốc gia Paris và được trao Huy chương vàng. Nhờ giải thưởng này, Pleyel trở thành nhà sản xuất đàn piano chính thức cho Louis Philippe, Công tước xứ Orleans và sau này trở thành vua của nước Pháp.

Pleyel liên tục đẩy mạnh đổi mới và cải tiến những chiếc đàn: phát triển các phụ kiện nẹp của bảng cộng hưởng để khắc phục những bất tiện của khung gỗ; bằng sáng chế vào năm 1828 về hệ thống nẹp của bảng cộng hưởng có tên là “extended”, giúp cải thiện âm thanh đáng kể; thiết lập nhiều hệ thống gia cố, mạ dây cho bảng cộng hưởng,…

Một kỷ nguyên mới bắt đầu

Vào ngày 14 tháng 4 năm 1829, sức khỏe của Ignace Pleyel bắt đầu suy giảm. Cha con nhà Pleyel đã giải quyết các vấn đề kế vị thương hiệu. Cùng với người bạn trung thành của họ, nghệ sĩ piano nổi tiếng Friedrich Kalkbrenner, họ đã thành lập “Ignace Pleyel and Company”, công ty chuyên sản xuất, bán và cho thuê đàn piano. Một chi nhánh thứ hai chỉ tập trung vào xuất bản âm nhạc cũng được ra đời.

Kể từ ngày đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1849, Kalkbrenner có liên đới về mặt tài chính và mọi hoạt động của Công ty Pleyel. Những hoạt động này bao gồm việc mua đất ở Rue Cadet và Rue Rochechouart, xây dựng các tòa nhà, phát triển phòng hòa nhạc,… Và kỷ nguyên mới của Piano Pleyel bắt đầu.

Đại sứ thương hiệu

FREDERIC CHOPIN

“Một câu chuyện tình yêu đẹp!”

Bức tranh Frédéric Chopin, George Sand, Pleyel (được vẽ bởi Họa sĩ Adolf Karpellus)

Nghệ sĩ hoà nhạc – Những người đưa Pleyel đến gần với công chúng

Vào nửa đầu thế kỷ 19, đời sống âm nhạc ở Paris phát triển mạnh mẽ. Ngày 1 tháng 1 năm 1830, Camille Pleyel tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên chơi trên đàn piano Pleyel trước công chúng, mở ra một xu hướng biểu diễn các buổi hòa nhạc công cộng trên đàn piano của các thương hiệu. Có thể nói, đặc trưng của thương hiệu Piano Pleyel chính là sự gắn kết với các nghệ sĩ, phát hiện và tôn vinh các tài năng, để họ chơi nhạc cụ của mình, từ đó mang thương hiệu đến gần với công chúng. Camille coi các sự kiện âm nhạc là nơi công chúng và những người yêu âm nhạc có thể thưởng thức và đánh giá chất lượng âm thanh và chính là một công cụ để quảng bá các nhạc cụ mà ông ấy bán.

Phòng hòa nhạc đầu tiên trên thế giới

Ở thời điểm những năm 1830, có thể nói lúc ấy không có bất kỳ một phòng hòa nhạc đúng nghĩa, mặc dù có rất nhiều nơi được xây dựng nhằm cho mục đích này. Những hội trường này được gọi là “Salons”, bắt nguồn từ những Salons văn học xuất hiện vào Thời đại khai sáng. Chính trong bối cảnh đó, vào ngày 1 tháng 1 năm 1830, Camille đã khánh thành nhiều salons, bắt đầu với một hội trường tọa lạc tại số 9 Rue Cadet, nơi mà sau này trở thành một trung tâm của đời sống âm nhạc Paris, cái nôi của những nghệ sĩ piano điêu luyện. Camille đã mời các nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn tại Paris như: Cramer, Steibelt, Moscheles, Hummel và John Field. Các salons trên con đường Rue Cadet đã được kỳ vọng ngay từ ban đầu rằng sau này sẽ trở thành những khán phòng hoà nhạc đầu tiên trên thế giới. Nhờ vào thành công của việc kinh doanh xuất bản các ấn phẩm âm nhạc, salons tiếp theo với 550 chỗ ngồi được khánh thành, tọa lạc tại 22 Rue Rochechouart.

Những buổi hoà nhạc ngày càng tạo được tiếng vang và cái tên Piano Pleyel là một phần gắn kết không thể tách rời góp phần tạo nên thành công, khẳng định đẳng cấp của chúng, đặc biệt, phải kể sự ra đời của phòng hoà nhạc Salle Pleyel nằm ở Rue du Faubourg Saint-Honoré vào tháng 10 năm 1927. Salle Pleyel được ví như ngôi đền của âm nhạc cổ điển và nhạc jazz, nơi diễn ra các buổi biểu diễn của hàng loạt nghệ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới trong suốt nhiều năm.

1831: Một bước ngoặt trong cuộc đời của Camille

Năm 1831 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Camille. Vào ngày 17 tháng 11, Ignace Pleyel qua đời, để lại cho thế giới kho tàng tác phẩm của một nhà soạn nhạc lớn. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Không lâu trước khi cha qua đời, Camille kết hôn với Marie Mock, người trước đó đã có đính ước với Berlioz. Marie Mock là một nghệ sĩ hoà nhạc điêu luyện và nổi tiếng khắp châu Âu, mối quan hệ này đã mở ra cho Camille những cánh cửa của cuộc đời mình với những ý tưởng lãng mạng mới. Một kỷ nguyên tiếp theo của Piano Pleyel được bắt đầu. Với sự nhạy bén, tìm hiểu về dòng chảy nghệ thuật, chàng trai trẻ lúc bấy giờ đã tạo nên những điều bất ngờ và nổi bật so với chủ nghĩa cổ điển của các đối thủ cạnh tranh. Vào ngày 26 tháng 2 năm 1832 tại salons trên đường Rue Cadet ở Paris, ông đã tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên của Frederic Chopin.

Pleyel và Chopin, hai cái tên không thể tách rời

Camille Pleyel gặp Frédéric Chopin vào mùa thu năm 1831, họ nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết. Và tại salons Pleyel của Camille, Chopin đã tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên của mình vào ngày 26 tháng 2 năm 1832. Trước khán giả là những nghệ sĩ piano và nhà báo âm nhạc lớn ở Paris, Chopin nhanh chóng thành công và trở nên nổi tiếng. Âm nhạc của Chopin, đi cùng với hình ảnh của một trong những nghệ sĩ lừng danh nhất thế giới ngay cả khi ông qua đời. Kể cả khi nổi tiếng, Chopin vẫn trung thành với người bạn Camille và những cây đàn Pleyel, những cây đàn piano kết hợp hoàn hảo với lối chơi của Chopin, đôi khi nhẹ nhàng, tinh tế nhưng đôi khi cũng mạnh mẽ. Frédéric Chopin say mê và đánh giá cao những cây đàn piano Pleyel đến mức ông tuyên bố: “Khi muốn ghi lại, nâng niu mọi sáng tạo một cách đầy đủ nhất tư tưởng, tình cảm của mình trong từng tác phẩm, tất cả những gì tôi cần là sự hoàn mỹ của chiếc piano Pleyel”. Do đó, Pleyel trở thành nhà cung cấp đàn piano chính thức của Chopin và đổi lại, Chopin đã tổ chức tất cả các buổi hòa nhạc ở Paris của mình tại nhà hát Pleyel cho đến khi qua đời vào năm 1849.

Frederick Chopin sáng tác Preludes – Lionello Balestrieri bên cạnh người yêu của ông George Sand

 

Đối mới & Phát triển

Mẫu Pianino George Sand năm 1837


Liên tục cải tiến đàn piano

Camille luôn ấp ủ tạo nên một phòng hòa nhạc xứng đáng với tên gọi của nó và làm hài lòng các nghệ sĩ, nhưng song song đó, ông vẫn liên tục chú trọng cải tiến các nhạc cụ do mình sản xuất.

Ông là người đầu tiên dám sử dụng khung kim loại cho đàn piano của mình, Camille đã dần biến đổi cây đàn piano để nó có thể đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của các nhà soạn nhạc.

Âm thanh mạnh mẽ và phong phú, là những yếu tố cần thiết cho các tác phẩm lãng mạn, vì thế ông đã chọn đặt các thanh nẹp bảng cộng hưởng bằng sắt cho những cây Grand piano, nhờ khả năng chống chịu bền vững của chúng sẽ giúp piano mang lại âm lượng lớn hơn.

Ông cũng tạo nên bàn phím có độ cân bằng hoàn hảo. Camille liên tục đăng ký bằng sáng chế cho các phát minh của ông. Ông đã giới thiệu đàn Upright piano ở Pháp và hoàn thiện việc sản xuất nó bằng cách phát minh ra âm thanh “extended”.

Piano cho bất kỳ ai

Năm 1838, ông cho ra mắt một chiếc Baby Grand piano với âm thanh có âm sắc tương đương với những mẫu đàn lớn hơn.

Camille luôn lo lắng về chất lượng của những đàn piano Pleyel, vào năm 1839, ông đã đề xuất một chiếc đàn piano nghiên hình vuông với hai bộ dây và sáu quãng tám có chất lượng vượt trội, được chế tạo tỉ mỉ nhưng giá cả lại vô cùng phải chăng.

Nhận thức được việc công ty đang bước vào giai đoạn quyết định trong cuộc cạnh tranh gay gắt với thương hiệu Erard, Camille đã cho ra mắt những cây đàn Upright piano với kích thước nhỏ hơn – những cây đàn pianinos nổi tiếng.

Năm 1855, công ty Piano Pleyel đã đạt đến cột mốc 350 công nhân và sản xuất đến 1.400 cây đàn piano mỗi năm.

Chinh phục toàn cầu

Từ năm 1830 – 1835, Camille luôn tìm cách mở rộng sản xuất đàn piano của mình. Để đạt được điều đó, Camille nghĩ đến phương án tìm kiếm và khai thác đối tượng khách hàng mới bằng cách thâm nhập thị trường quốc tế, những quốc gia thuộc địa mà cho đến nay vẫn chịu sự thống trị của người Anh.

Nghĩ ra một ý tưởng khả thi để phát triển công việc kinh doanh của mình, Camille bắt đầu chú ý đến việc sản xuất nhạc cụ cho nhiều nước trên thế giới, ông nắm bắt điều chỉnh và sửa đổi cấu trúc của chúng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. 

Không lâu sau đó, những nỗ lực của Camille Pleyel đã được đền đáp. Một đầu báo thời bấy giờ đã trích dẫn rằng đàn piano Pleyel không chỉ có ở các thành phố lớn ở châu Âu, mà còn ở New Orleans, Colombia, Chile, Peru, Brazil, Ấn Độ và thậm chí cả Úc.

Sự công nhận của đồng nghiệp

Một số thông tin được ghi lại vào năm 1830 trong vở nhạc kịch Gazette đã chứng minh cho thời hoàng kim của Piano Pleyel vào thời điểm đó: “Danh tiếng của những cây đàn piano Pleyel ngày nay đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới và đặc biệt là trong giới nghệ sĩ. Về chất lượng âm thanh, những cây đàn này được cho là không cần cải thiện bất kỳ điều gì và thậm chí là vượt trội so với những cây đàn piano của Anh, một loại đàn đã được sản xuất từ ​​lâu. Camille Pleyel một lần nữa cải tiến sản phẩm của mình bằng cách thay đổi hệ thống bàn phím và đảm bảo độ nhẹ khi người chơi chạm vào chúng”.

Trong giai đoạn này, Công ty Pleyel đã nhận được nhiều giải thưởng bao gồm Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc gia ở Paris. Camille cũng được phong tặng là Hiệp sĩ của Quân đoàn Danh dự vào năm 1834.

Vào ngày 4 tháng 5 năm 1855, Camille qua đời “trên đỉnh thành công của sự nghiệp sản xuất piano”, tờ báo L’Illustration viết. Sau khi qua đời, Camille đã nhận được Huy chương Danh dự tại Triển lãm toàn cầu ở Paris năm 1855.

Ngành Công nghiệp Piano

AUGUSTE WOLFF

Cây Baby Grand piano có dây chéo N°3 bis, soundboard bằng đồng thau 

Một doanh nhân đặc biệt

Auguste Wolff hợp tác với Camille Pleyel vào năm 1853, và sau đó ông trở thành người đứng đầu công ty vào năm 1855. Giống như Pleyel, ông cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc. Sinh năm 1821 tại Paris, Wolff là một nhà soạn nhạc tài năng và một nhạc công xuất sắc, ông từng đạt giải nhất về piano tại Nhạc viện Paris năm 1839.

Auguste Wolff có tố chất kinh doanh, những kỹ năng của ông đã giúp thương hiệu Pleyel lên một tầm cao mới. Auguste Wolff trở thành một nhà sản xuất đàn piano xuất chúng, đặc biệt với sự khéo léo và bộ óc sáng tạo, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của công ty.

Một nhà máy lớn ở Saint-Denis

Năm 1865, để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại, các xưởng sản xuất Pleyel đã được chuyển đến Saint-Denis. Một nhà máy lớn đã được xây dựng trên khu đất rộng 55.000 mét vuông, bao gồm các xưởng được trang bị động cơ hơi nước, các khu vực rộng lớn để lưu trữ thiết bị từ khắp nơi trên thế giới và các văn phòng quản lý.

Những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp với sự phát triển của động cơ hơi nước và động cơ điện cho phép năng suất sản xuất đạt đến số lượng chưa từng có trước đây, đỉnh điểm là vào năm 1866, Pleyel đã cung cấp cho thị trường hơn 3.000 cây đàn piano.

Auguste Wolff – Từ nhà sản xuất đàn piano đến nhà công nghiệp

Auguste Wolff biết cách khai thác và phát triển nền công nghiệp vượt bậc bằng cách điều chỉnh cơ giới hóa các công cụ của mình: nhà máy được trang bị ống sưởi, lò hơi chạy bằng khí nén, hơi nước, và có cả hệ thống tự cung cấp điện. Wolff thể hiện sự nghiêm khắc nhưng ông cũng tỏ ra là một người nhân văn và có tầm nhìn xa trông rộng.

Nhận thấy khó khăn trong việc quản lý bảng lương công nhân (ở thời điểm này nhà máy có đến 800 công nhân đang làm việc), đồng thời Wolff cũng quan tâm cải thiện điều kiện làm việc theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nên ông đã sáng tạo ra nhiều giải pháp xã hội.

Một phòng nghiên cứu vĩ đại

Trong nhà máy hiện đại này, các nhà kho và phòng thí nghiệm để nghiên cứu đều được đầu tư rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng của các nhạc cụ khi rời khỏi xưởng. Gỗ, kim loại, nỉ và vecni đều được thử nghiệm trong nhà máy. Wolff mong muốn rằng các kim loại được sử dụng trên đàn piano của ông đều được đảm bảo thiết kế và thử nghiệm tại chỗ. Việc lựa chọn cẩn thận các nguyên vật liệu là điều kiện tiên quyết để sản xuất tốt.

Nhà máy Pleyel ở Saint-Denis năm 1870

Những cải tiến kỹ thuật chưa từng có

Với lợi thế của tiến bộ kỹ thuật, đầu tư nhà máy và năng suất làm việc của tất cả mọi người đã giúp những cây đàn piano không ngừng được nâng cấp. Những sự đổi mới liên tục và đa dạng đã dẫn đến chất lượng cuối cùng, độ tin cậy và đặc biệt là âm thanh piano phát ra của những chiếc đàn Pleyel trở nên đẳng cấp. Những cải tiến mới giữa thế kỷ 19 bao gồm: bàn đạp piano (phích ứng bàn đạp được tìm thấy trên đàn organ), bàn phím chuyển vị, độc lập và có thể thích ứng với tất cả đàn piano (bàn phím di động được đặt chồng lên bàn phím thông thường), bàn đạp âm sắc trên đàn piano, bộ thoát kép cải tiến,… Pleyel đặc biệt quan tâm và tạo ra bàn phím đảm bảo độ chính xác, độ nhạy và tốc độ trong mỗi lần đánh. Việc sử dụng các dây đàn song song và đan chéo, chú trọng đến độ căng và lựa chọn vật liệu nghiêm ngặt đã mang lại độ bền và chịu lực nhẹ hơn cho cấu trúc bằng gỗ. Wolff đã thay thế khung gỗ bằng khung gang để tạo ra âm thanh hay và nổi bật cho đàn piano. Sau thành công của những cải tiến này, Công ty Pleyel đã nhận được huy chương tại Triển lãm Thế giới Luân Đôn vào năm 1862.

Thời kỳ hoàng kim

GUSTAVE LYON

Pleyel – Âm thanh “Pháp”

Sau khi Auguste Wolff qua đời, Gustave Lyon điều hành Công ty Pleyel. Lyon sinh năm 1857, ông là cựu sinh viên của Ecole Polytechnique và có bằng kỹ sư của Ecole de Mines. Cũng là một nhạc sĩ tài ba, Gustave Lyon đã sử dụng những kiến thức chuyên môn của mình để vận dụng vào việc cải thiện chất lượng của đàn piano và nghiên cứu sâu sắc về âm học.

Một trong những phát minh đầu tiên của ông là chế tạo khung kim loại bằng thép không gỉ cho đàn piano – loại “thép Pleyel” nổi tiếng, một loại kim loại ít cacbon hóa, được đúc nguyên khối mà không cần lắp ráp.

Cải tiến này đã mang lại cho Pleyel giải thưởng danh dự tại Paris Universal Exhibition năm 1889, giải thưởng này cũng đánh dấu cột mốc cây đàn piano thứ 100.000 của Pleyel, nhà sản xuất đàn piano đầu tiên trên thế giới đạt được con số này.

Đầu thế kỷ 20, những chiếc đàn Piano Pleyel đã trở thành biểu tượng đặc trưng của âm thanh Pháp mang màu sắc lãng mạn với âm trầm mạnh mẽ và âm bổng lấp lánh, làm say mê các nghệ sĩ piano trẻ thế hệ mới, chủ yếu là những nhà soạn nhạc người Nga.

Năm 1907, Gustave Lyon tổ chức một buổi hòa nhạc để vinh danh họ tại Salle Pleyel nằm trên đường Rue de Rochechouart (Paris), quy tụ những nghệ sĩ dương cầm danh tiếng như: Rimsky-Korsakov, Rachmaninov, Wanda Landowska và đặc biệt, Pleyel đã giới thiệu đến công chúng Camille Saint-Saëns – nhạc sĩ trẻ chỉ mới 11 tuổi.

Piano model dòng P và F nổi tiếng

Vào những năm 1925-1930, Pleyel một lần nữa gây được tiếng vang trên toàn thế giới với các mẫu đàn dòng P và F nổi tiếng. Cụ thể, Lyon là nhà phát minh ra cây đàn piano upright nổi tiếng có tên là “model P” mà chuyên gia Jean-Jacques Trinques gọi là “vua của đàn piano upright”, và “model F” thần thoại, một cây đàn baby grand dựa trên model “3a” đã được đề cập ở trên.

Sự vĩ đại..


The Salle Pleyel

Ngoài việc sản xuất đàn piano, Gustave Lyon còn có niềm đam mê mãnh liệt với âm thanh của các phòng hòa nhạc. Lyon đã trở thành một chuyên gia về âm thanh khán phòng và đề xuất cho các kiến ​​trúc sư để xây dựng khán phòng.

Việc xây dựng Salle Pleyel tại Rue du Faubourg Saint-Honoré vào năm 1927 đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của khán phòng hoà nhạc vào thời đại này.

Khán phòng âm nhạc hoành tráng ở Paris này có sức chứa đến 2.600 chỗ ngồi. Vào thời điểm đó, Salle Pleyel là một trong ba khán phòng danh tiếng nhất thế giới, bên cạnh Concertgebouw ở Amsterdam và Carnegie Hall ở New York.

…Thời kỳ suy tàn

Cuộc khủng hoảng năm 1929

Nhưng cuộc khủng hoảng năm 1929 đã nổ ra, hàng loạt khán phòng đã phải đóng cửa vào năm 1933. Một sự suy tàn kéo dài và kết thúc một cách đáng tiếc với việc đóng cửa nhà máy sản xuất ở Saint Denis vào năm 2013, nhà máy cuối cùng của một đế chế vĩ đại. Sự thất bại này được dự đoán bởi Pleyel chỉ tập trung vào một nhóm khách hàng giàu có, những người quan tâm và có khả năng chi trả cho các tác phẩm độc đáo của các nhà thiết kế nổi tiếng hơn là các nhạc cụ chất lượng.

Sự tái sinh

Năm 2017, Gérard Garnier và con trai là Benjamin quyết định tái sinh thương hiệu huyền thoại này “Phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn”.

Bất chấp sự sụp đổ, Pleyel vẫn là thương hiệu biểu tượng. Doanh nhân tài năng, người đứng đầu tập đoàn Algam, một trong những công ty hàng đầu thế giới về phân phối và sản xuất nhạc cụ, đã điều hành và vạch ra hướng đi cho thương hiệu để tránh mắc phải những sai lầm của quá khứ. Nhờ có mạng lưới đối tác quốc tế trong ngành công nghiệp nhạc cũ vững chắc cũng như 04 năm dài nghiên cứu và phát triển, những chiếc Piano đầu tiên ra đời từ nhà máy mới của Pleyel ở Nantes đã được những người yêu âm nhạc và Piano quan tâm.

Nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để tìm lại âm sắc trong trẻo nhưng cũng êm dịu “Pleyel” nổi tiếng, thứ âm sắc đã làm say mê Chopin trong những khán phòng hoà nhạc ấm cúng. Tuy nhiên, cũng phải kể đến những lợi thế công nghệ của thế kỷ 21, khi mà những chiếc Piano có thể đạt đến sự cân bằng hoàn hảo của các âm vực, độ chính xác tuyệt đối trong chuyển động của phím, búa đàn, lấy lại vị thế của một thương hiệu huyền thoại.

Sau nhiều thập kỷ lưu lạc, sự tái sinh của Pleyel đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của phong cách Pháp trong thế giới piano.

Sự hồi sinh của Pleyel, một thách thức đầy thú vị

“Giống như nhiều nhạc sĩ, tôi luôn hy vọng rằng Pleyel sẽ tái sinh.

Chính vì vậy, khi được biết một đội ngũ tài năng và đầy đam mê đứng phía sau sự tái sinh của thương hiệu Pleyel, tôi đã tò mò, nôn nóng đến mức không thể chờ đợi được nữa. Chuyến thăm đầu tiên đã cho phép tôi được trò chuyện cùng với đội ngũ phụ trách dự án và xem những chiếc đàn piano đầu tiên đang được sản xuất. Khi tôi đặt tay lên những chiếc đàn piano, đó là một khoảnh khắc rất đặc biệt sẽ còn đọng lại trong ký ức của chúng tôi, kèm theo đó là một chút lo lắng, bởi vì tất cả chúng tôi, Gérard và Benjamin Garnier, những người muốn hồi sinh thương hiệu, Patrick Horn-Wegner, người đảm nhiệm vai trò phát triển nhạc cụ này và tôi, đều tự hỏi: liệu chúng tôi có thành công không? Nhạc cụ có đáp ứng được hy vọng không? Và những phút tiếp theo đã xoá tan mọi lo lắng của chúng tôi. Pleyel DNA đã ở đó, vang lên những âm thanh tuyệt vời.”

Yves Henry
Nghệ sĩ piano – Giải nhất cuộc thi quốc tế Robert Schumann

Giáo sư tại Nhạc viện Quốc gia Supérieur de Musique et de Danse de Paris
Chủ tịch Lễ hội Nohant Chopin

Chế tạo

Thiết kế kiểu Pháp

Đàn piano Pleyel sở hữu thiết kế gồm kỹ thuật hiện đại kết hợp cùng bí quyết truyền thống của các nghệ nhân chế tạo. Hàng ngàn bộ phận của mỗi chiếc piano được làm thành mô hình 3D bằng Solidworks, phần mềm được phát triển bởi Dassault Systèmes. Các thông số kỹ thuật và bản phác thảo được thực hiện tại Nantes cho phép mỗi mẫu đàn được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, tạo nên chất lượng âm thanh tuyệt diệu của Pleyel.

Trung thành với bí quyết truyền thống xuất sắc của mình, trong quá trình sản xuất đàn, Pleyel luôn khắt khe trong việc lựa chọn các chi tiết cũng như vật liệu: Để sản xuất các bảng âm thanh (soundboard) – linh hồn của một chiếc piano, Pleyel sử dụng loại gỗ vân sam đến từ Thung lũng Fiemme ở Ý, loại gỗ này nổi tiếng với khả năng rung đặc biệt và khuếch đại âm thanh, đồng thời mang đến độ vang lớn hơn cho nhạc cụ.

Bộ cơ Piano được thực hiện theo bảng vẽ và thông số kỹ thuật của Pleyel, đảm bảo hiệu suất và khả năng vận hành cao nhất. Pleyel sử dụng bộ bàn phím được làm bằng gỗ vân sam chất lượng hàng đầu mang lại khả năng chống ẩm cao. Những phím đàn này được đánh giá cao bởi sự thoải mái cũng như độ chính xác khi biểu diễn. 

Bộ khung bằng gang được xem như “xương sống” của chiếc đàn piano với dây đàn có thể chịu được sức ép lên đến 20 tấn, được kiểm tra tỉ mỉ : đổ khuôn hoàn hảo, chăm sóc bề mặt cẩn thận, quy trình hoàn thiện được kiểm soát nghiêm ngặt về mọi mặt. 

Tất cả các chiếc piano Pleyel đều được chế tạo bằng dây đàn của thương hiệu Đức nổi tiếng: dây đàn âm trầm của Hellerbass và dây đàn âm trung bình-cao của Röslau nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất, đồng thời mang đến những hợp âm ổn định và bền bỉ. Riêng mẫu đàn Trocadéro sử dụng dây đàn âm trầm mạ bạc của Paullelo.

Chỉ sử dụng những vật dụng cao cấp, Pleyel chọn lọc loại gỗ cũng như chất lượng gỗ rất kỹ lưỡng. Từ khâu bảo quản đến khâu cắt gỗ, từ kiểm soát độ ẩm đến lắp ráp, mỗi giai đoạn chế tạo liên quan đến gỗ đều được kiểm tra chất lượng tỉ mỉ và chính xác. 

Sản xuất quốc tế

Làm thế nào Pleyel có thể chinh phục lại thị trường piano toàn cầu?

Năm 2013, hàng loạt nhà máy Pleyel cuối cùng ở Pháp đã đóng cửa. Sau sự cố đáng buồn này, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tái sinh thương hiệu Piano huyền thoại này.

Sau nhiều tháng nghiên cứu số liệu bán hàng trên toàn thế giới, Gérard và Benjamin Garnier gặp phải một vấn đề khiến họ bối rối: Họ phải chấp nhận rằng thế kỷ XXI không còn giống như thế kỷ XX nữa và càng khác biệt so với thế kỷ XIX, đồng thời, họ không thể chấp nhận bất kỳ vấn đề nào, dù là nhỏ nhất, có khả năng làm tổn hại đến chất lượng của Pleyel, nhất là trong giai đoạn “thời điểm vàng” của thương hiệu. Do đó, họ phải tìm cách dung hòa giữa chất lượng của Pleyel, số lượng sản phẩm và định giá cạnh tranh để phù hợp với xu hướng mới của thị trường quốc tế.

Đàn piano Pleyel nên được sản xuất ở đâu để đảm bảo yêu cầu này?

Ngày nay, khoảng 100,000 cây đàn piano được bán ra ở Châu Âu mỗi năm, 350.000 cây đàn đã được bán ở thị trường Châu Á, chưa tính doanh số tại các Châu lục khác. Những con số ấn tượng này cho thấy rằng thế giới ngày nay không giống như thời đại của Camille Pleyel, ông chỉ chế tạo những chiếc đàn piano ở Paris cho giới thượng lưu phương Tây.

Từ góc nhìn kinh tế, chỉ có một sự lựa chọn: chúng tôi phải sản xuất tại địa phương.

Phải mất vài năm để thực hiện dự án này. Cần phải tìm ra điểm chung giữa các đối tác có nền công nghiệp vững chắc Pháp, Đức, Ý, Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc để tôn trọng các thông số kỹ thuật nghiêm ngặt.

Trong khi các bộ sưu tập Art & Design và Haute Facture kết hợp Made in France và Made in Germany, thì dòng P được lắp ráp tại nhà máy ở Indonesia, nơi sở hữu nhiều bí quyết chế tạo mang màu sắc của thương hiệu cao cấp huyền thoại của Pháp. Nhưng trên hết, nó được hưởng lợi từ một quần thể hài hòa, linh hồn của Pleyel, được sản xuất tại nhà máy Pleyel ở Ninh Ba.

Những chiếc đàn Piano Series P mang đến nhiều ưu điểm về chất lượng và giá cả, làm thoả mãn bất kỳ một nghệ sĩ “khó tính” nào.

Công đoạn hoàn thiện cuối cùng

Tính ổn định

Ngay sau khi những cây đàn piano được hoàn thiện một số công đoạn, chúng sẽ được đưa đến nhà máy Pleyel ở Nantes, sau đó những cây được đặt trong một môi trường chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo tính ổn định. Sau ít nhất ba tháng, các quy trình tiếp theo như điều chỉnh và hòa âm sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia, kỹ thuật viên của Pleyel. Những chiếc đàn piano Pleyel hoàn thiện với “âm thanh Pháp” nổi tiếng, biểu tượng của thương hiệu.

Điều chỉnh và lên dây đàn Piano

Tại nhà máy Pleyel ở Nantes, các kỹ thuật viên Pleyel sẽ thực hiện điều chỉnh chính xác độ cao của từng phím, cũng như độ sâu khi ấn phím để có được sự cân bằng hoàn hảo của bàn phím, mang lại cảm giác chạm mượt mà và dễ chịu. Họ cũng phải đảm bảo rằng các đầu búa tiếp xúc tối ưu với mặt dây.

Mỗi cây đàn piano Pleyel được thực hiện bốn lần lên dây: lần đầu tiên khi kiểm tra tiếp nhận, lần thứ hai sau khi điều chỉnh, lần thứ ba sau khi hoàn tất việc hòa âm và lần lên dây thứ tư trước khi đàn piano được vận chuyển khỏi nhà máy Nantes.

Hoàn thiện hoà âm

Việc điều chỉnh âm sắc, được gọi là “hòa âm” hay “âm điệu”, là bước cuối cùng trong quá trình sản xuất đàn piano: bước này sẽ mang lại cho nó âm thanh, giai điệu sự phong phú hài hòa. Sự hài hòa này bao gồm tác động lên kết cấu nỉ của đầu búa, bằng cách làm mềm hoặc làm cứng chúng. Do đó, kỹ thuật viên của Pleyel sẽ điều chỉnh âm sắc của đàn piano bằng cách định vị, điều chỉnh và định hướng cấu trúc, chà nhám và sau đó khâu các miếng nỉ búa. Đây là một quá trình lâu dài và tỉ mỉ, mất nhiều giờ cho mỗi cây đàn piano tại nhà máy Pleyel.

Đánh bóng và kiểm tra lần cuối

Một cây đàn piano đẹp không chỉ về mặt âm thanh mà còn về mặt thẩm mỹ, vì vậy bước cuối cùng trong quá trình sản xuất là làm lại toàn bộ thùng đàn. Mỗi nhạc cụ đều được kiểm tra kỹ lưỡng, mọi dấu vết trầy xước và khuyết điểm đều được loại bỏ và lớp sơn mài được đánh bóng hoàn toàn.

Cuối cùng, một lớp bảo vệ mỏng bằng sáp được phủ lên toàn bộ vỏ đàn để đảm bảo rằng đàn piano được bảo vệ khỏi những tác động nhỏ có thể làm thay đổi độ sáng bóng của đàn.